"Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh", lời kêu gọi trong bài viết "Gửi thanh niên An Nam" năm 1925 của Người cho thấy tầm quan trọng của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Để minh chứng thêm, khi truyền bá tư tưởng cách mạng, đối tượng Người chọn lựa đầu tiên là những thanh niên yêu nước tiến bộ như Hồ Tùng Mậu (29 tuổi), Lê Hồng Phong (23 tuổi), Lê Hồng Sơn (26 tuổi) và một số đồng chí khác, chủ yếu là thanh niên vào tổ chức "Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên" – một trong những tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thanh niên này cùng với Người, sau này là lớp lớp thanh niên khác của thế hệ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cả nước tiến hành các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
"Người ta thường nói thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên", từ quan điểm và nhận thức đó nên suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã phát huy được rộng khắp phong trào thi đua tích cực của thanh niên, xứng đáng với khẩu hiệu "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".
Muốn làm tròn được nhiệm vụ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Người luôn yêu cầu mỗi thanh niên phải luôn trao dồi đạo đức cách mạng, bởi "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của dân tộc, của Đảng của cách mạng mà không ngần ngại hy sinh lợi ích cá nhân. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cũng không thương tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng".
Thế nhưng, để thực hiện nhiệm vụ thành công, Người dặn thanh niên cần phải có 2 điều tiên quyết sau đây:
1. Rèn luyện đạo đức cách mạng: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
2. Phải học văn hóa, kỹ thuật và chính trị: "Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật và văn hóa, nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà, nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi".