Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.
Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/02/2021, những đối tượng được tiêm đợt 1 là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm); Quân đội, Công an. Các đối tượng trên sẽ được tiêm loại vắc xin mua của Tập đoàn AstraZeneca.
Vắc xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/02/2021. Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.
- Đối với phụ nữ có thai: Khuyến cáo tiêm vắc xin khi lợi ích của vắc xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi chẳng hạn như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng.
- Đối với phụ nữ cho con bú: Tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ. Không cần thiết ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.
- Đối với người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch: Tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng. Không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
- Đối với người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: Chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng.
- Đối với người đang mắc COVID-19: Tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
- Đối với người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng COVID-19: Tiêm sau 90 ngày.
- Đối với người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền: Cần tiêm vắc xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Vắc xin phòng Covid-19 được khuyến cáo tiêm 2 liều, tiêm bắp (0,5ml mỗi liều) và mỗi liều cách nhau 12 tuần.
Cũng như những vắc xin khác, vắc xin ngừa COVID-19 cũng sẽ có những phản ứng sau tiêm chủng như đau, sưng tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, những triệu chứng này sẽ khỏi sau vài ngày.
Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… có thể xảy ra sau tiêm vắc xin, nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới chưa có đầy đủ dữ liệu. Chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19
Để tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với việc tiêm phòng vắc xin là thực hiện tốt các biện pháp theo khuyến cáo 5k của Bộ Y tế.
Để triển khai thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn và hiệu quả, ngày 06/3/2021, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 tại địa phương. Theo đó, các cơ sở y tế tại địa phương tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng những thông tin về vắc xin phòng Covid-19.
Hãy tiếp tục chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 với tinh thần: "Vắc xin + 5K = phòng bệnh hiệu quả"./.
DS. Giang Nhung