Phòng chóng dịch bệnh
Thứ 4, Ngày 29/11/2017, 10:00
Triển khai công tác phòng, chống dịch năm 2016
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
29/11/2017
TTĐT - Theo dự báo, năm 2016 sẽ có thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, ngay từ đầu năm, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai công tác y tế dự phòng nhằm kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra

Tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

Năm 2015, Bình Dương đã tích cực thực hiện công tác y tế dự phòng như xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch (PCD); thành lập Đội đáp ứng nhanh PCD bệnh do virus Ebola, chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống lây nhiễm Mers-CoV, PCD hạch, cúm, sởi, sốt xuất huyết; tăng cường truyền thông, kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh…Triển khai 02 đợt tổng vệ sinh môi trường và truyền thông PCD sốt xuất huyết, tay chân miệng với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Tập huấn phòng, chống lây nhiễm Mers-CoV cho 259 người là cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, y tế doanh nghiệp và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.

phun thuoc.JPG

Phun thuốc xử lý dịch SXH tại các trường tiểu học ở những phường có nhiều ổ dịch trên địa bàn thị xã Dĩ An. Ảnh: Trung Hòa

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm với cộng đồng như sốt rét, sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, đã tuyên truyền phòng, chống sốt rét trên đài truyền thanh huyện, xã 3.820 lần, tổ chức 9 xe tuyên truyền lưu động; giám sát thường quy 60 đợt tại các bệnh viện và cộng đồng; tập huấn chuẩn đoán và điều trị cho 191 học viên là y, bác sĩ điều trị tại các đơn vị y tế công lập; cung cấp 4.739 màn đôi tẩm hóa chất tồn lưu cho người dân; cung cấp 16.070 test chuẩn đoán nhanh sốt rét cho các huyện, thị trong tỉnh. Ngoài ra, đã truyền thông 4.368 lần tại 102 đài truyền thanh xã, nông trường; phát 1,3 triệu tờ rơi trong 02 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và phòng, chống tay chân miệng. Thực hiện giám sát dịch tễ, giám sát ca bệnh SXH, xác định và xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

rubella.jpg

Tiêm văc-xin Rubella cho công nhân Công ty TNHH Wanek (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát). Ảnh: Minh Duy

Kết quả, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Đầu năm xuất hiện ổ dịch Rubella tại thị xã Bến Cát và Tân Uyên, đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp. Sở Y tế đã phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị trong ngành và doanh nghiệp thực hiện tiêm vắc-xin sởi, Rubella cho 1.494 đối tượng nguy cơ, phun hóa chất khử trùng, không để dịch lan rộng và đã khống chế kịp thời. Toàn tỉnh phát hiện 245 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 3 ca dương tính với sởi và 105 ca Rubella; có 1.417 ca tay chân miệng, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2014; không phát hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như tả, cúm A/H5N1, dịch hạch… Trong năm, có 43 ca mắc sốt rét, tỷ lệ mắc/1.000 dân là 0,022; không có tử vong do sốt rét; tỷ lệ dân trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ đạt 97,9%.

Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm, đã phát hiện 1.706 ổ dịch SXH, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ xử lý ổ dịch đạt 95,6%. Toàn tỉnh có 4.749 ca mắc SXH, tăng 73%, tập trung ở thị xã Thuận An, Dĩ An và thành phố Thủ Dầu Một. Trong đó có 14 ca tử vong, tăng 13 ca so với cùng kỳ. Tỷ lệ tử vong/mắc là 0,29%.

Chủ động phòng, chống dịch

Trong năm 2016, tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch lớn xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện, thống kê báo cáo, xử lý dịch, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như: SXH, cúm A/H5N1, sởi, tay chân miệng…; hạn chế đến mức thấp số mắc và chết. Khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh mới phát sinh. Dự phòng thuốc, hóa chất để chủ động PCD.

Để chủ động PCD, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, y tế dự phòng khẩn trương triển khai công tác PCD trên địa bàn tỉnh. Trong đó, để ngăn chặn sốt rét diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống sốt rét tại địa phương. Giám sát chặt chẽ tình hình dân di biến động, đặc biệt là những người trở về từ vùng sốt rét lưu hành, dân đi rừng ngủ rẫy (nhất là ở khu vực có ký sinh trùng kháng thuốc); tăng cường công tác quản lý ca bệnh, phát hiện và điều trị triệt để những ca bệnh ngoại lai nhằm khống chế bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường truyền thông giáo dục, nhất là đối tượng là dân giao lưu với vùng sốt rét lưu hành; áp dụng các biện pháp bảo vệ và xét nghiệm máu cho đối tượng này khi họ trở về địa phương.

ve sinh moi truong.jpg

Dọn vệ sinh môi trường để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi

Về hoạt động phòng, chống SXH, các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Xác định các xã, huyện đang có dịch SXH Dengue trên địa bàn để thực hiện dập dịch diện rộng và duy trì hoạt động diệt lăng quăng hàng tuần sau khi dập dịch. Phối hợp truyền thông trực tiếp và qua phương tiện thông tin đại chúng về bệnh SXH Dengue, các biện pháp phòng, chống để người dân hiểu và phòng tránh. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, dịch truyền; bố trí cán bộ trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung, chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân SXH Dengue; tăng cường chỉ đạo tuyến thông qua đường dây nóng nhằm nâng cao năng lực điều trị SXH Dengue ở các tuyến, nhất là các trường hợp nặng, đồng thời thực hiện chuyển tuyến kịp thời, đúng chỉ định để hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ tử vong và khống chế dịch lây lan.

dieutri.jpg

Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Như

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới, để chủ động PCD xâm nhập vào địa bàn tỉnh, các đơn vị tập trung triển khai tốt hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Bình Dương, lưu ý các đối tượng là người xuất khẩu lao động, khách du lịch, người đi về từ vùng đang có dịch (nhất là các nước thuộc châu Mỹ) để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chủ động lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ có tiền sử về từ vùng dịch gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Phối hợp truyền thông PCD do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh; đối với những người đi về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 12 ngày, phụ nữ mang thai nên hạn chế đi đến các khu vực có dịch và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ bị nhiễm vi rút Zika. Chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất… sẵn sàng triển khai các hoạt động PCD hiệu quả khi dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh.​

Lượt người xem:  Views:   1
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Ảnh
Video
Phòng chóng dịch bệnh