Thông tin tuyên truyền
Thứ 2, Ngày 12/11/2018, 09:00
NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS NĂM 2018: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
12/11/2018
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”. Cụ thể:

1. Tăng cường các hoạt động Dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người;

2. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS.

3. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS là gì?

- 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa họ cũng không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ. Khi không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

- 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV: Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện,  sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác: Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.

Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, khi các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 tiếp theo có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Tại sao năm 2018, Việt Nam lại chọn chủ đề  "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!"?

BỞI VÌ: Nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV

Mặc dù xét nghiệm HIV quan trọng, chỉ có xét nghiệm HIV mới biết một người có bị nhiễm HIV hay không và dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay đã được triển khai rộng rãi. Tại Bình Dương TT PC HIV/AIDS được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính và  cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV sàng lọc ở 100% các huyện, thị, thành phố. Ngoài  ra xét nghiệm dựa vào cộng đồng cũng đang được triển khai

Tuy nhiên vẫn nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV hiện còn sống, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

Như vậy, họ sẽ có thể "vô tình" là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng và họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ.

       Nhiều người được chẩn đoán nhiễm  HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV

Việc điều trị ARV hiện nay đã được mở rộng tới tất cả các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh với 8/9 cơ sở điều trị ARV. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Hiện nay đến tháng 9/2018 Bình Dương có 2.709 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

* Thông điệp phòng chống  HIV/AIDS là:

  • Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
  • Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần. 
  • Methadone – Liều thuốc vàng cho người nghiện ma túy!
  • Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
  • Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!
  • Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!
  • Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

     

KHOA TRUYỀN THÔNG TTPC HIV/AIDS​

Lượt người xem:  Views:   1
Chia sẻ:
Share:
Ảnh
Video
Thông tin tuyên truyền