Với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách BHYT nước ta đã phát triển mạnh mẽ, chế độ ngày càng hoàn thiện, đúng đắn; vai trò của BHYT từng bước được khẳng định trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Có thể nói, chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT đến nay đã được hoàn thiện, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm gánh nặng về kinh tế hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 những năm vừa qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, kịp thời, vừa góp phần phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam đến cuối năm 2021, số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Năm 2022, hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam với chủ đề: "Bảo hiểm y tế - vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình", toàn xã hội hãy chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân. Hướng tới hoàn thành mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc trong năm 2022 là 92,6%.
Tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và của cả cộng đồng./.
Bs. Diệu Hương