Qua báo cáo tình hình dịch bệnh năm 2016 của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, chủ yếu vẫn là các bệnh dịch thường xuyên lưu hành như SXH, TCM và cúm mùa chiếm tỷ lệ cao. Nhưng nếu so với khu vực và thế giới, Việt Nam có tỷ lệ mắc/100 ngàn dân và chết/mắc về bệnh SXH thấp hơn nhiều; bệnh TCM so với khu vực Châu Á, Việt Nam và Nhật Bản thấp nhất và với bệnh cúm thì Việt Nam chỉ có bệnh cúm mùa thông thường, chưa phát hiện cúm A(H7N9, H5N1, H5N6, H5N8). Cũng theo báo cáo này, một số bệnh dịch như SXH, TCM, cúm lưu hành khắp cả nước nhưng SXH và TCM tập trung nhiều ở phía Nam, miền Trung và Tây nguyên trong khi bệnh dại, bệnh than, viêm não do vi rút xảy ra ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, ở khu vực phía Nam còn tỷ lệ mắc bệnh sốt rét (SR) cao ở Bình Phước và khu vực Tây Nguyên và SR kháng thuốc có nguy cơ lan rộng do tình trạng di dân tự do. Các bệnh đã có vắc xin dự phòng nhưng đang có khuynh hướng quay trở lại như bạch hầu, ho gà.Ngoài ra, năm 2016 xuất hiện bệnh dịch mới nổi là vi rút zika nhưng Việt Nam đã khống chế kịp thời, không để xảy ra dịch lớn.
Đánh giá chung năm 2016, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi được ngăn ngừa và khống chế không để xâm nhập hoặc bùng phát; các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế về tỷ lệ mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực có dịch lưu hành. Việt Nam vẫn giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh đã có vắc xin tiêm chủng đã giảm mạnh. Đó là do làm tốt công tác phòng chống dịch tại cộng đồng và khả năng đáp ứng kịp thời của các cơ sở điều trị nhất là các bệnh viện lớn tại TPHCM đã hỗ trợ đắc lực cho các tỉnh phía Nam. Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Đảng, chính quyền và sở, ngành, đoàn thể các cấp đã đồng hành cùng ngành y tế.
Nhiệm vụ trọng tâm 2017, chủ yếu công tác chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến tỉnh, ngành; ngành y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2017; chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó các tình huống có thể xảy ra; công tác phối hợp; kiểm tra liên ngành; giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm; công tác đáp ứng; các biện pháp giảm tử vong nếu mắc; công tác truyền thông GDSK và đảm bảo công tác hậu cần cho phòng chống dịch. Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long,Thứ trưởng-Bộ Y tế đánh giá cao thành tựu ngành y tế đã đạt được, cũng như có sự vào cuộc của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đồng hành cùng ngành y tế triển khai quyết liệt nên đã khống chế thành công các bệnh dịch lưu hành cũng như mới nổi, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đối với 2 bệnh SXH và TCM. Lãnh đạo Bộ Y tế nêu lên 7 nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng chống dịch như sau:
1. Cảnh giác một số bệnh dịch nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua du lịch, làm việc; một số bệnh phía Bắc sẽ vào phía Nam theo chân di dân tự do, hoặc công nhân lao động...
2. Tập trung quyết liệt phòng chống các bệnh dịch lưu hành như SXH-Zika, TCM, cúm,... Đồng thời cũng quan tâm các bệnh khác như tiêu chảy, nhất là bệnh SR (chú ý các tỉnh giáp ranh biên giới Lào, Cam-pu-chia; các tỉnh có công nhân lao động ở Châu phi về).
3. Chú ý một số bệnh đã có vắc xin tiêm phòng nhưng nhưng quay lại do tiêm không đủ mũi hoặc không tiêm (dân vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số).
4. Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch phòng chống dịch năm 2017 sớm trình UBND tỉnh phê duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong kế hoạch chú ý hoạt động trọng tâm về truyền thông, giám sát.
5. Xây dựng kịch bản theo các tình huống cụ thể: chưa có dịch, có ca bệnh, dịch xảy ra. Phối hợp giữa các đơn vị y tế trong hội chẩn, rút kinh nghiệm.
6. Sở Y tế tăng cường tham mưu UBND tỉnh đầu tư cho công tác y tế dự phòng; trang thiết bị cho các bệnh viện để xử trí ca bệnh kịp thời (nếu có). Đảm bảo báo cáo tình hình dịch bệnh thường xuyên, kịp thời cho UBND tỉnh.
7. Thường xuyên trao đổi giữa các tỉnh, thành để phát huy các điểm mới, việc làm hay./.
Bs. Bạch Tuyết (GĐTrung tâm TTGDSK)