Năm 2016 khép lại, một năm với những thay đổi về mặt chính sách liên quan đến hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ của cả nước. Đáng chú ý nhất là Thông tư liên tịch số: 51/2015/TTLT-BYT-BNV, ngày 11 tháng 12 năm 2015 về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư số 37/2016/TT-BYT, ngày 25 tháng 10 năm 2016 về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Hai thông tư này áp dụng đều có lộ trình, tuy nhiên mảng truyền thông ngay khi thông tư số 37/2016/TT-BYT có hiệu lực thì không ít người băn khoăn về mặt tổ chức. Bởi vì theo thông tư này, phòng truyền thông thuộc trung tâm y tế huyện, thị,thành phố đã “biến mất”, chức năng nhiệm vụ thì có nhưng cơ cấu tổ chức không còn. Là những người làm truyền thông giáo dục sức khoẻ, chúng tôi đã quen với những biến động về mặt tổ chức, nhân sự. Nhìn một cách toàn diện thì hệ truyền thông giáo dục sức khoẻ còn khá non trẻ (hầu hết được thành lập theo Quyết định: 911/1999/QĐ- BYT, ngày 31 tháng 3 năm 1999) về việc ban hành bản “Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, chỉ trừ một số tỉnh, thành phố đã thành lập ổn định trước đó. Có thể nói, sát nhập hay giải thể đối với những người làm truyền thông như chúng tôi là không quan trọng. Vấn đề cốt lõi vẫn là hiệu quả của một loại hình giáo dục sức khoẻ mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu xét về tính hiệu quả của truyền thông thì không thể cân đo, đong đếm ngay trước mắt được. Chúng ta phải bền bỉ tác động để thay đổi một hành vi có hại cho sức khoẻ thành một hành vi có lợi là không thể một lần, mà cả trăm lần. Có thể thấy tác động về mặt chủ trương chính sách có thể phá vỡ cơ cấu tổ chức có tính ổn định trong 18 năm qua của hệ truyền thông giáo dục sức khoẻ cả nước. Một hệ thống được củng cố nhiều năm mới ổn định, từ tỉnh đến y tế thôn bản, rất có thể mặt chỉ đạo xuyên suốt và huấn luyện kỹ năng cho các mạng lưới cũng bị ảnh hưởng. Riêng tỉnh Bình Dương thời gian qua đã củng cố và hoàn thiện mạng lưới, hoạt động các tuyến nhịp nhàng và mang lại hiệu quả.
Chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình địa phương, làm sao ít gây xáo trộn để các hoạt động không bị gián đoạn. Xuân về chúng tôi trân trọng cảm ơn những người làm truyền thông từ tất cả các vị trí huyện, tỉnh, xã, thôn, bản trong năm qua, chúc cho những người làm truyền thông có sức khoẻ, sáng tạo và yêu mến cộng đồng. Sỹ Hoàng (Trung tâm TTGDSK)