Thông tin tuyên truyền
Thứ 4, Ngày 21/03/2018, 10:00
GIỮ GÌN, PHÁT HUY NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
21/03/2018
​Đón xuân, đón tết là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhớ về tổ tiên, ông bà; cầu mong những điều an lành, hạnh phúc. Tết là dịp để mọi người đi lại thăm hỏi, chúc những điều may mắn, tốt đẹp. Mùa xuân về cũng là mùa của lễ hội, các lễ hội mùa xuân không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân… Thế nhưng cũng có nơi, có chỗ lạm dụng đón xuân để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém, hơn thế nữa là có nội dung trái với lối sống văn hóa, truyền thống của dân tộc như: Hoạt động mê tín dị đoan; các lễ hội phản cảm, tốn kém; nạn cờ bạc, rượu chè bê tha; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội…

BAC HO 1.jpg 
(Bác Hồ đến chúc Bộ đội PK-KQ Tết Kỷ Dậu - 1969​)

Sinh thời Bác Hồ của chúng ta  đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bác từng căn dặn: “Suốt năm, chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó đúng. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ, lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm, đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”.
Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ,... cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm... cái gì mới mà hay, thì ta phải làm... làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. Trong gia đình, Bác nêu rõ: “Phải trên thuận dưới hòa... ăn tiêu phải có kế hoạch, cưới hỏi, giỗ, tết nên tiết kiệm, ăn ở sạch sẽ, thân mật và sẵn lòng giúp đỡ xóm giềng, gia đình, hăng hái làm việc nước”. Đồng thời Bác cũng  nêu lên bổn phận, trách nhiệm khi tham gia xây dựng đời sống mới của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trên năm phương diện: cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại và cách làm việc. Nội dung cốt lõi của việc xây dựng đời sống mới là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Tác phẩm “Đời sống mới” đã tạo động lực to lớn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngày nay, những nội dung trong tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tết cổ truyền luôn là một hoạt động văn hóa đặc sắc. Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển và nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước./. 
Bs Cao Thanh Tùng

Lượt người xem:  Views:   1
Chia sẻ:
Share:
Ảnh
Video
Thông tin tuyên truyền