Qua bức thư Bác để lại, chúng ta thấy Bác luôn đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ của ngành y tế trong sự nghiệp chǎm sóc sức khoẻ nhân dân và trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Bác khẳng định chăm sóc sức khỏe nhân dân là " một nhiệm vụ rất vẻ vang”; "lương y phải như từ mẫu" đó là một danh hiệu cao quý Bác dành đặt cho ngành y tế. Bác viết, “y học phải dựa trên nguyên tác khoa học, dân tộc, đại chúng”.Ngành Y là một ngành khoa học - khoa học chữa bệnh cho con người và chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Vì vậy, thầy thuốc phải nêu cao tinh thần học tập, nghiên cứu không ngừng và vận dụng những kiến thức y học của thế giới, cũng như kinh nghiệm truyền thống của dân tộc vào trong công tác khám chữa bệnh. Mặc dù bức thư của Bác đã qua 62 năm nhưng với những tư tưởng sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược Bức thư đã trở thành tài sản vô giá đối với ngành y tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam XHCN trong thời bình, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của Bác kính yêu. Những chiến sỹ Quân Dân y miền Đông thời ấy không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến và cũng có biết bao người đã để lại một phần cơ thể của mình hay vĩnh viễn ra đi.Ngày nay, các chiến sĩ áo trắng tỉnh Bình Dương, tiếp tục phát huy truyền thông tốt đẹp của cácchiến sỹ Quân Dân y miền Đông tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng, trao dồi Y đức - một phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, kể cả đồng bào ở vùng xa xôi, vùng nghèo khó. Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã có nhiều bước phát triển, nhiều kỹ thuật mới được triển khai ở tuyến tỉnh, tuyến huyện; từ tuyến tỉnh đến xã phường đã kết hợp chặt chẽ giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân mỗi nhà, mỗi người dân biết sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh lý thông thường.
“Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là Bác mong muốn người thầy thuốc “lấy tình cảm thiêng liêng cao cả của người mẹ đối với con làm đạo đức cho mình”.Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.Thỉnh thoảng đâu đó vẫn còn điều tiếng về đạo đức của người thầy thuốc nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ thầy thuốc tận tâm, tận tuỵ với nghề. Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, toàn thể CCVCLĐ ngành Y tỉnh Bình Dương quan tâm đặc biệt lời Bác dạy. Trước những cám dỗ của đồng tiền, CCVCLĐ ngành Y tế tỉnh nhà không phân biệt giàu nghèo, quan tâm người bệnh như nhau, lấy lời dạy của Bác làm kim chỉ nam để không bị lầm đường lạc lối gây ra những buồn phiền cho người bệnh.
Năm 2017, kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2017), một lần nữa CCVCLĐ ngành Y tế tỉnh Bình Dương càng nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu của Bác và sẽ phát huy nhiều hơn nữa đạo đức, y đức, phẩm chất của người thầy thuốc theo đúng quan điểm của Bác “Lương y phải như từ mẫu”./.
Bs.Nguyễn Thị Bạch Tuyết(GĐ Trung tâm TTGDSK)